Sâu bệnh thường gặp trên cây Sứ và biện pháp phòng trừ

Giới thiệu về cây Sứ    

Cây Sứ thuộc chi Đại – Plumeria, là một chi nhỏ của họ Trúc đào – Apocynaceae, chứa 7 – 8 loài cây có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ và vùng Caribe.

Tên thường gọi của cây là Sứ đại hay gọi tắt là cây Sứ, hoa Sứ. Mỗi loài Sứ lại có hình dạng lá khác nhau, hoa chủ yếu tỏa hương vào ban đêm, hoa của chúng cũng đa dạng màu trắng, hồng, vàng.

Sâu bệnh thường gặp trên cây Sứ

Sứ là loài cây chịu hạn rất tốt, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, cây cũng rất dễ nhiễm bệnh, dưới đây là một số bệnh thường gặp trên cây Sứ và biện pháp phòng trừ:

1. Bệnh gỉ sắt

- Nguyên nhân: Bệnh do nấm Coleosporium plumeriae gây ra

- Dấu hiệu nhận biết: Mặt dưới lá bị nhiễm bệnh có nhiều đốm nhỏ rỉ sét màu vàng cam, dạng bột nổi lên, nếu lá bị bệnh nặng những đốm vàng có thể xuất hiện tương ứng ở mặt trên lá. Những vùng màu vàng này phát triển thành các đốm trũng có màu xám đến nâu. Các bào tử được tạo ra trong các mụn mủ này có thể theo nước mưa, luồng gió lây lan sang các cây khác.

- Tác hại: Nấm gỉ sắt không giết chết cây Sứ nhưng khi lá cây bị bệnh nặng có thể bị khô, quăn, biến dạng, rụng lá sớm và rụng toàn bộ. Vào mùa mưa, nếu cây Sứ bị rụng lá nhiều sẽ dẫn đến thoát nước qua lá giảm, rất dễ gây thối củ.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Bệnh có thể được kiểm soát bằng cách vệ sinh đúng cách, xử lý ngay tất cả lá rụng, loại bỏ và tiêu huỷ lá bị nhiễm bệnh nặng trên cây.

+ Trồng cây ở nơi khô ráo, xử lý cỏ dại xung quanh gốc cây, tránh những nơi ẩm ướt, dễ gây phát triển nấm bệnh.

+ Cây bị nhiễm bệnh cần tránh tưới nước quá nhiều, có thể sử dụng thuốc diệt nấm với liều lượng phù hợp để trị bệnh gỉ sắt

 

2. Bệnh thối thân và thối rễ

- Nguyên nhân: do nhiều tác nhân gây bệnh trong đất gây ra, bao gồm nấm PhytophthoraPythium

- Dấu hiệu nhận biết: Cây bị ảnh hưởng có biểu hiện vàng lá, héo và suy yếu. Thân cây bị nhiễm bệnh có thể có các vùng sẫm màu, úng nước hoặc đổi màu đen, rễ có thể bị thối và trở nên nhũn.

- Tác hại: Thối thân di chuyển rất nhanh và hầu như luôn làm chết cành giâm đặc biệt vào mùa đông, khi đất ẩm. Các cành giâm bị nhiễm bệnh sẽ không ra rễ, thay vào đó, chúng sẽ thối rữa dần dần lan lên thân làm lá héo và đốm lá. Thân cây bị thối cuối cùng sẽ teo tóp, chuyển sang màu nâu sẫm xỉn màu đến đen và bị đổ.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Giữ vệ sinh khu vực trồng được sạch sẽ, không có lá rụng

+ Không sử dụng phân chuồng cho đất trồng cây

+ Rắc tuốc diệt nấm lên cành trước khi giâm vào chậu

+ Không tưới quá nhiều nước cho cành giâm đang ra rễ,…

+ Khi có dấu hiệu của bệnh thối thân, xử lý bằng thuốc diệt nấm dạng lỏng, giữ cho đất khô ráo.

+ Với cây sứ trưởng thành (ít gặp) chỉ cần cắt bỏ khu vực bị ảnh hưởng là cây sẽ hồi phục.

 

3. Nấm đầu đen

- Nguyên nhân: bệnh do nấm đầu đen Colletotrichum gây ra.

- Dấu hiệu nhận biết: Nấm đầu đen có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong năm, đặc biệt là mùa xuân và mùa thu. Chúng thích nơi mát mẻ, ẩm ướt và râm mát. Nếu trong điều kiện thích hợp nấm có thể xuất hiện và lan rộng chỉ sau một đêm. Cành và đầu lá bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen và có thể héo. Có thể nhìn thấy các cấu trúc sản sinh bào tử tối màu trên các mô bị ảnh hưởng.

- Tác hại: Nếu không được kiểm soát, nấm sẽ giết chết các đầu sinh trưởng của cây trưởng thành và giết chết hoàn toàn một cây hoa sứ nhỏ. Nếu nấm đầu đen giết chết các đầu sinh trưởng trên một cây hoa sứ trưởng thành và khi nhiệt độ ấm lên, thì đầu đen sẽ chết. Sau đó, các đầu bị đen sẽ chai lại và gãy. Tiếp theo, cây hoa sứ sẽ phân nhánh trở lại nhìn như nó đã được cắt tỉa. Điều này có thể giúp cây ra nhiều nhánh mới, nhưng nếu bị thường xuyên hoặc ít nhất 2 lần/năm cây sứ sẽ khó ra hoa được.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Cắt tỉa và tiêu hủy các ngọn bị nhiễm bệnh, duy trì vệ sinh tốt, cải thiện lưu thông không khí, giảm độ ẩm và giữ cho khu vực trồng khô ráo nhất có thể.

+ Có thể sử dụng thuốc diệt nấm để tiêu diệt nấm đầu đen

+ Tốt nhất nên trồng cây ở nơi có nhiều nắng, thông thoáng.

 

4. Rệp trên cây sứ

- Có nhiều loài rệp thường gây hại trên cây sứ như rệp sáp hay rệp phấn trắng (Planococcus lilacinus), rệp muội hay rệp mềm, rệp bông (Aphis gossypii), rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica), rệp vảy xanh (Coccus viridis)

Rệp sáp (Planococcus lilacinus)

Rệp muội (Aphis gossypii)

Rệp vảy (Saissetia hemisphaerica)

- Dấu hiệu nhận biết: rệp thường tập trung ở mặt dưới lá cây, dọc theo các cạnh của gân lá, chồi, lá non, nụ hoa. Chúng có kích thước nhỏ màu sắc đa dạng và di chuyển chậm. Chất thải của rệp có vị ngọt nên thường thu hút nhiều kiến cộng sinh làm cho rệp phát tán rộng hơn.

- Tác hại: rệp dùng vòi chích hút nhựa cây làm cây còi cọc, suy yếu, lá bị xoăn lại, mép lá cong vênh chuyển thành màu vàng và rụng. Rệp tiết ra chất nhờn, dính tào điều kiện cho nấm phát triển, bao phủ lên lá cản trở quá trình quang hợp và cũng là vật trung gian lan truyền bệnh virus cho cây. Rệp tấn công chồi non và hoa làm hoa nhỏ, xấu, thậm chí không ra hoa.

 

- Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất là phun một tia nước mạnh để rửa trôi trệp ra khỏi cây

+ Nước không hiệu quả đối với rệp vảy và rệp sáp, bởi những loài gây hại cho cây Sứ đều tạo ra một lớp vỏ bảo vệ bằng sáp ngăn không cho thuốc trừ sâu xâm nhập. Có thể xử lý chúng bằng cách sử dụng tăm bông nhúng vào cồn, thấm cồn vào từng nốt sần hoặc mảng dính màu trắng để tiêu diệt côn trùng bên dưới lớp vỏ bảo vệ của chúng. Cũng có thể dùng cồn hoặc tinh dầu Neem pha với nước nửa chén, nước sạch phun lên toàn bộ cây để tiêu diệt rệp non và trứng rệp.

+ Ngoài ra chũng có thể sử dụng dung dịch tỏi, ớt, các thuốc trừ sâu sinh học để điều trị hoặc dung dịch hóa học khi rệp phát triển quá mạnh

+ Thường xuyên kiểm tra cây định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời

+ Vệ sinh gốc cây thông thoáng.

 

5. Nhện đỏ

- Dấu hiệu nhận biết: Có những đốm màu vàng, nâu hoặc trắng trên lá cây, trong đó những đốm trắng hoặc đỏ rất nhỏ trên lá chuyển động đó chính là nhện đỏ. Ở mặt dưới của lá có lớp màng trắng, giống như bông xuất hiện.

- Tác hại: nhện đỏ sẽ hút nhựa cây để sống nên sẽ tạo thành các vết chấm nhỏ li ti màu trắng bạc, hơi vàng. Nếu lá bị nặng sẽ chuyển sang màu trắng bạc, rụng nhanh, cây còi cọc, chậm lớn, không ra chồi mới.

 

- Biện pháp phòng trừ:

+ Có thể loại trừ nhện đỏ bằng cách phun nước áp lực lớn vào lá và thân cây kết hợp với các dung dịch như bột pha với nước, tinh dầu bạc hà, dầu ăn, nước rửa chén,…

+ Thường xuyên theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời

 

6. Bệnh do virus

- Nguyên nhân: do một số loại Virus khảm hoa sứ (FMV) gây ra

- Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng có thể khác nhau nhưng có thể bao gồm các hoa văn khảm trên lá, dị tật lá lốm đốm hoặc đột biến màu, đặc biệt là trên cánh hoa. Một số cây hoa sứ có vẻ bình thường chỉ thỉnh thoảng có một đột biến màu sắc trên cánh hoa, điều này đôi khi tạo nên sự độc đáo của hoa.

- Tác hại: hiện tượng đột biến màu làm biến dạng màu sắc ban đầu của hoa. Nhiều người có thể thích thú vì điều này, tuy nhiên cây bị nhiễm virus sẽ bị còi cọc và sản lượng hoa giảm. Bệnh có thể lây lan qua các dụng cụ cắt tỉa bị nhiễm virus.

- Biện pháp phòng trừ: Không có cách chữa khỏi bệnh do nhiễm virus FMV. Nên loại bỏ và tiêu hủy cây bị nhiễm bệnh, vệ sinh dụng cụ và ngăn ngừa sự lây lan của virus thông qua kiểm soát côn trùng và vệ sinh đúng cách.

 

Ngoài các bệnh do mầm bệnh gây ra , cây Sứ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, chẳng hạn như thiếu hụt chất dinh dưỡng, tưới quá nhiều nước, cháy nắng và hư hại do lạnh. Những vấn đề này có thể làm cây yếu đi và dễ mắc bệnh hơn. Bạn cần duy trì các biện pháp canh tác thích hợp, bao gồm tưới nước thích hợp, bón phân cân đối, tránh nhiệt độ khắc nghiệt và cung cấp điều kiện phát triển tối ưu cho cây.

 

CÔNG TY TNHH TM XD THẢO NGUYÊN XANH

Hotline : 028 6287 3168

Email : thietkethicongcanhquan@thaonguyenxanh.vn

Website: thietkethicongcanhquan.com

Facebook : Thảo Nguyên Xanh

CÔNG TY TNHH TM XD THẢO NGUYÊN XANH cung cấp dịch vụ sân vườn Thiết kế, Thiết kế thi công cảnh quan, Thi công, Bảo dưỡng cảnh quan. Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp và cho thuê cây văn phòng. Liên hệ ngay để được hỗ trợ: 028 6287 3168

Bình luận

Bài viết liên quan